Bình Định – Vùng đất võ địa nhân linh kiệt

Bình Định là tỉnh ven biển nằm ở phía Bắc vùng Duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam. Tuy được nhắc đến khá nhiều nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về vùng đất này. Trong bài viết dưới đây, Nữ Thuật sẽ chia sẻ thông tin cơ bản giúp bạn hiểu rõ hơn về tỉnh thành này. 

Sơ lược về Bình Định – Vùng đất oai hùng

Bình Định có tổng diện tích tự nhiên 6.025km2 với vị trí đắc địa, tiếp giáp nhiều nơi. Trong đó, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và phía Đông giáp Biển Đông.

Thủ phủ của Bình Định là thành phố cảng Quy Nhơn, cách Thủ đô Hà Nội 1.065 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 686 km, cách thành phố Đà Nẵng 300km và cách Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) qua Lào 300 km. Cùng với  Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 1 trong 5 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. 

Bình Định vùng đất võ
Bình Định vùng đất võ

Lịch sử hình thành của tỉnh Bình Định

Bất kỳ tỉnh thành nào cũng đều có những cột mốc lịch sử đáng nhớ. Từ khi thành lập đến nay, tỉnh đã trải qua rất nhiều giai đoạn để có thể phát triển như hôm nay. 

Giai đoạn trước những năm 1775

  • Ở đời nhà Tần – nhà Hán, Bình Định vốn là huyện Tượng Lâm, thuộc quận Nhật Nam.
  • Năm Vĩnh Hoà 2 (137), một người tên Khu Liên với chức vụ là Công Tào đã giết chết huyện lệnh và chiếm đất, tự phong là Lâm Ấp vương.
  • Đời nhà Tùy (605), người phụ trách dẹp Lâm Ấp, đặt tên là Xung Châu. Một thời gian sau đó, lại quay lại lấy tên cũ là Lâm Ấp.
  • Đời nhà Đường (627) đổi tên là Lâm Châu. 
  • Năm 803, nhà Đường bỏ Lâm Châu, từ đó nước Chiêm Thành của người Chăm ra đời và được đổi thành Đồ Bàn, Thị Nại.
  • Tháng 7 năm 1471 đời nhà Lê, vua Lê thành lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện: Bồng Sơn, Tuy Viễn và Phù Ly. Trong khoảng thời gian đó, người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay. Đến năm 1490, 3 huyện này có 19 tổng và 100 xã.
  • Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, thuộc dinh Quảng Nam.
  • Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần tiến hành đổi tên phủ Quy Nhơn thành tên phủ Quy Ninh.
  • Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát lại dùng tên cũ là Quy Nhơn.
Giai đoạn những năm 50-60
Giai đoạn những năm 50-60

Giai đoạn từ năm 1773 đến 1945

Lúc này tỉnh đã chính thức đổi tên thành Bình Định và giữ mãi đến nay. 

  • Từ 1773 đến 1797, nhà Tây Sơn chiếm vùng đất này. Sau đó Nguyễn Ánh chiếm lại đất và đổi tên thành dinh Bình Định.
  • Từ 1799 đến 1802, quân Nguyễn Ánh chiếm thành Quy Nhơn và đổi qua thành Bình Định. Sau đó, trong suốt những năm đầu thế kỷ XIX, Bình Định trở thành trung tâm cai trị của triều Nguyễn.
  • Năm 1808, đổi từ “dinh” thành “trấn” và trấn Bình Định ra đời.
  • Năm 1814, vua Gia Long cho xây dựng lại thành Bình Định mới, nằm về phía Đông Nam, cách thành cũ khoảng 5km gần sông Côn. Khu vực này thuộc thị trấn Bình Định, thị xã An Nhơn ngày nay. Sau khi xây xong thì quyết định chuyển toàn bộ nhà cửa về chỗ thành mới.
  • Đến Năm 1825, đặt tri phủ Quy Nhơn.
  • Năm 1831, đổi thành phủ Hoài Nhơn.
  • Năm 1832, bắt đầu tiến hành tách huyện Tuy viễn thành hai huyện là Tuy Viễn và Tuy Phước. Bên cạnh đó, tách huyện Phù Ly thành hai huyện là Phù Mỹ và Phù Cát. Kế đến, Bình Định và Phú Yên thành liên tỉnh Bình Phú, sau đó bỏ liên tỉnh này.
  • Năm 1885, Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai – Kon Tum đều thuộc phạm vi của Bình Định.
  • Vào năm 1888, đặt huyện Bình Khê. 
  • Năm 1890, thực dân Pháp sáp nhập Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. 
  • Chỉ được vài năm cho đến 1899, Phú Yên tách ra khỏi Bình Phú.
  • 4/7/1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh tự trị Pleikou Derr và tỉnh lỵ đặt tại làng Pleikan Derr của dân tộc Gia Lai. Địa bàn tỉnh Pleikou Derr chủ yếu bao gồm các vùng cư trú của đồng bào thiểu số như: Xơ Đăng, Bana, Giarai,… đều tách từ tỉnh Bình Định ra.
  • 25/4/1907 ra quyết định xóa bỏ tỉnh Pleikou Derr. Toàn bộ đất đai của tỉnh Pleikou Derr cũ chia làm hai phần: Đại lý Kontum (cho sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định) và Đại lý Cheo Reo (cho sáp nhập vào tỉnh Phú Yên).
  • Năm 1913, thực dân Pháp sáp nhập Phú Yên vào Bình Định, thành tỉnh Bình Phú. Còn Kontum tách ra làm tỉnh riêng. Trong đó địa bàn tỉnh Kontum bao gồm: Đại lý Kontum tách từ tỉnh Bình Định, Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú Yên và Đại lý Đắk Lắk.
  • 28/3/1917 cắt tổng Tân Phong và tổng An Khê thuộc cao nguyên An Khê, tỉnh Bình Định, sáp nhập vào tỉnh Kontum.
  • Từ 1921 kéo dài đến năm 1945, thực dân Pháp cắt tỉnh Phú Yên ra khỏi tỉnh Bình Định. Thời Việt Nam Cộng hòa đổi các huyện thành quận và tỉnh Bình Định lúc đó có 11 quận, 1 thị xã (trong đó có 4 quận miền núi).
Xem thêm:  Top 20+ mẫu giá sách đẹp nhất mà bạn nên sở hữu

Giai đoạn sau năm 1945

  • Tháng 2 năm 1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra nghị định giải thể khu và hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Dựa theo nghị định đó, Quảng Ngãi và Bình Định hợp nhất lại thành tỉnh Nghĩa Bình.
  • 24/8/1981, huyện Hoài Ân được chia thành 2 huyện là Hoài Ân và An Lão. Huyện Phước Vân được chia thành 2 huyện là Tuy Phước và Vân Canh. Huyện Tây Sơn được chia thành 2 huyện là Tây Sơn và Vĩnh Thạnh.
  • 3/7/1986, thị xã Quy Nhơn được nâng cấp thành thành phố Quy Nhơn.
  • 30/6/1989, tỉnh Bình Định được tái thiết lập từ tỉnh Nghĩa Bình cũ. Lúc tách ra, Bình Định có 11 đơn vị hành chính gồm: 1 thành phố (Quy Nhơn) và 10 huyện (An Nhơn, An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh).
  • 4/7/1998, thành phố Quy Nhơn được công nhận là đô thị loại II.
  • 25/1/2010, thành phố Quy Nhơn được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bình Định.
  • 28/11/2011, huyện An Nhơn chuyển thành thị xã An Nhơn.
  • 1/6/2020, huyện Hoài Nhơn chuyển thành thị xã Hoài Nhơn.

Vậy cuối cùng tỉnh Bình Định có 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện như hiện nay.

Giai đoạn Bình Định bắt đầu phát triển
Giai đoạn Bình Định bắt đầu phát triển

Vị trí địa lý với nhiều lợi thế và vài hạn chế

Tỉnh Bình Định thuộc tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam với lãnh thổ trải dài 110km theo hướng Bắc – Nam. Tỉnh có chiều ngang với độ hẹp trung bình là 55km, trong đó chỗ hẹp nhất 50km, còn chỗ rộng nhất 60km. Diện tích tự nhiên của Bình Định là 6.025 km², còn diện tích vùng lãnh hải là 36.000 km².

Xem thêm:  20+ Mẫu phòng khách phong cách Á Đông

Phía Bắc của Bình Định giáp tỉnh Quảng Ngãi với đường ranh giới chung 63km, điểm cực Bắc có tọa độ: 14°42’10” Bắc, 108°55’4” Đông. Phía Nam giáp tỉnh Phú Yên với đường ranh giới chung 50km, điểm cực Nam có tọa độ: 13°39’10” Bắc, 108°54’00” Đông. Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai có đường ranh giới chung 130km, điểm cực Tây có tọa độ: 14°27′ Bắc, 108°27′ Đông. Phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài 134km, có tọa độ: 13°36’33 Bắc, 109°21′ Đông. 

Do vị trí địa lý đặc biệt nên Bình Định được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên, vùng đông bắc Campuchia và nam Lào. 

Bình Định tiếp giáp với nhiều tỉnh thành
Bình Định tiếp giáp với nhiều tỉnh thành

Đơn vị hành chính của tỉnh Bình Định

Cho đến thời điểm hiện tại, Bình Định có 1 thành phố loại I trực thuộc tỉnh, 2 thị xã và 8 huyện (3 huyện miền núi, 2 huyện trung du và 3 huyện đồng bằng). 

  • Thành phố loại I trực thuộc tỉnh là thành phố Quy Nhơn; 
  • 2 thị xã là Hoài Nhơn và An Nhơn; 
  • 3 huyện miền núi của tỉnh Bình Định là Vân Canh, An Lão và Vĩnh Thạnh; 
  • 2 huyện trung du là Hoài Ân và Tây Sơn; 
  • 3 huyện đồng bằng là Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước. 

Toàn Bình Định có 116 xã, 32 phường và 11 thị trấn và trung tâm hành chính của tỉnh đặt tại TP. quy Nhơn. 

Dân số của tỉnh Bình Định

Tính đến tháng 8 năm 2021, theo tổng điều tra dân số thì: 

  • Dân số của tỉnh Bình Đình là 1.487.009 người, trong đó nam chiếm 49,2%, nữ chiếm 50,8%. 
  • Dân số thành thị chiếm 31,9%, nông thôn chiếm 68,1%. 
  • Dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh Bình Định chiếm khoảng 58.8% trên tổng dân số toàn tỉnh.
  • Tại tỉnh Bình Định, ngoài dân tộc Kinh thì còn có gần 40.000 các dân tộc khác cùng chung sống. Trong đó, chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Ba Na và Hrê sinh sống tại các huyện miền núi và trung du. 
  • Dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Định phân bố không đồng đều, mật độ dân số toàn tỉnh là 251,8 người/km2
  • Dân cư tập trung đông nhất tại khu vực thành phố Quy Nhơn (với mật độ dân số trung bình 1007,2 người/km2) và thấp nhất là huyện Vân Canh (với mật độ dân số trung bình 31,6 người/km2).
  • Đến năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa đạt 46,3%.
Xem thêm:  20+ mẫu thiết kế phòng ngủ lãng mạn
Dân số của Bình Định khá đông
Dân số của Bình Định khá đông

Một số điểm nổi bật về vùng đất Bình Định

Tỉnh Bình Định không chỉ có bề dày lịch sử mà nền văn hóa cũng phát triển không kém. Trong đó tiêu biểu nhất là nền văn hoá Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa. Mặc dù trải qua thời gian khá dài nhưng đến hiện tại vẫn còn một số di sản được bảo tồn như: thành Đồ Bàn và các tháp Chàm có nghệ thuật kiến trúc độc đáo. 

Bình Định là nơi phát danh của Đào Duy Từ (1572-1634)

Ông là một quân sư tài hoa của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Ông không chỉ là một kiệt tướng mà còn là một chính trị gia vĩ đại, một chiến lược gia sáng suốt, một nhà kiến trúc, nhà nghệ thuật và một học giả uyên bác. Với tầm vóc của một người lại có thể góp phần quan trọng trong việc định hình nhà nước, địa lý và bản sắc của Đàng Trong.

Tỉnh thành này còn là nơi xuất phát của phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ XVIII với tên tuổi của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Quê hương của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ
Quê hương của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ

Quê hương của các danh nhân 

Trần Đức Hòa, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Đăng Lâm, Tăng Bạt Hổ, Ngô Mây, Diệp Trường Phát,…) và các văn thi nhân(Nguyễn Diệu, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Nguyễn Thành Long,… đều là người con của vùng đất võ.

Truyền thống thượng võ cùng nền nghệ thuật đặc trưng

Bình Định còn được biết đến với truyền thống thượng võ và đa dạng nền văn hóa với các loại hình nghệ thuật như: hát bội, bài chòi, hò bá trạo của cư dân vùng biển, nhạc võ Tây Sơn,… cùng với các lễ hội lớn được nhiều người biết đến như: lễ hội Đống Đa Tây Sơn, lễ hội của các dân tộc miền núi, lễ hội cầu ngư,…

Lễ hội Cầu Ngư của khu vực ven biển
Lễ hội Cầu Ngư của khu vực ven biển

>> Xem thêm:

Lời kết 

Hy vọng với những kiến thức mà Nữ Thuật chia sẻ trong bài viết có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về Bình Định. Đây là một vùng đất không chỉ có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn có có bề dày lịch sử và nhiều nền văn hóa đặc sắc. 

Tìm hiểu thông tin trên internet là chưa đủ, nếu có cơ hội hãy thử một lần đặt chân đến vùng đất đặc biệt này để cảm nhận sự độc đáo bạn nhé. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *